Sunday, February 27, 2022

Với trận Poltova, dân tộc Ukraine đã khiến cho tất cả các đế quốc thời bấy giờ thấy được sự anh dũng của họ. Nếu họ không sát cánh với quân Nga đánh bại Đế Quốc Thuỵ Điển tại đây, bản đồ thế giới đã không như ngày nay.

Với trận Poltova, dân tộc Ukraine đã khiến cho tất cả các đế quốc thời bấy giờ thấy được sự anh dũng của họ. Nếu họ không sát cánh với quân Nga đánh bại Đế Quốc Thuỵ Điển tại đây, bản đồ thế giới đã không như ngày nay.

Các bạn thân mến,
Không phải vì lý do chính trị hay ý thức hệ mà cá nhân chúng tôi mến mộ dân tộc Ukraine. Chúng tôi xin gửi đến các bạn một bài ngắn trong bộ tài liệu lịch sử về Đế Quốc Thuỵ Điển và Đế Quốc Nga mà chúng tôi chuyển sang Việt ngữ cách nay 14 năm.
FB Khiet Nguyen
*******
Cuối cùng thì quân Thuỵ Điển cũng theo kịp quân Nga, vào mùa hè 1708 gần làng Holowczyn nay thuộc Lithuania. Ngày 4 tháng Bảy, quân Nga bị đánh bật ra khỏi phòng tuyến và thiệt mất hơn năm ngàn quân lính. Tuy nhiên, mặc dù chiến thắng, trận đánh này đã làm cho quân Thuỵ Điển ngạc nhiên không ít.
Từ lâu, quân Thuỵ Điển đánh thắng quân Nga rất dễ dàng, đẩy lui họ chạy dài cả hàng trăm cây số chẳng hạn như tại mặt trận Narva. Chính vì vậy mà các tướng lãnh Thuỵ Điển cho quân Nga không phải là một quân đội đúng nghĩa, và chỉ cần một đạo quân nhỏ của Thuỵ Điển cũng có thể đánh bại một đạo binh lớn của Nga. Tại mặt trận Holowczyn này, quân Nga chống cự rất mãnh liệt trước khi rút lui. Điều này làm cho Charles XII ngạc nhiên nhưng lại không hiểu được tại sao.
Sau trận Narva, trong khi Charles XII đem quân đánh Saxony và Ba Lan thì Peter Đại Đế cũng bận rộn không kém. Ông bỏ hết thời gian để tái tổ chức và tái huấn luyện cho quân đội. Khi Thuỵ Điển chuẩn bị đánh Nga, quân đội của Peter Đại Đế đã thay đổi hoàn toàn từ mặt tổ chức đến chiến thuật và chính Peter Đại Đế đã rất ngạc nhiên khi được tin quân mình thua trận tại Holowczyn. Sau đó, không biết nghe ai mật báo, Peter Đại Đế cho rằng quân lính của mình đã hoảng sợ trước sự hung bạo của địch quân nên bỏ chạy chứ không phải đánh không lại địch. Vì vậy, ông ra lệnh hành quyết tất cả những quân lính bị thương ở sau lưng vì tin rằng họ đã bỏ chạy khi địch quân tràn đến. Cùng lúc đó, các nhà cầm quân bên Thuỵ Điển cũng ý thức được rằng kể từ nay, họ phải đối đầu với một quân đội Nga khác với lúc trước.
Có sẵn dụng ý, Peter Đại Đế cho quân của mình rút lui, bỏ ngõ con sông Dnieper và sau đó là con đường thênh thang dẫn đến thủ đô Mạc Tư Khoa. Không bị địch chận đánh trên đường tiến quân nhưng quân Thuỵ Điển lại gặp khó khăn khác.
Mặc dù có cả một đoàn xe chở lương thực, đạn dược cùng với hơn 12 ngàn quân trừ bị đi phía sau nhưng đoàn quân Thuỵ Điển ở tuyến đầu lại không có đủ lương thực và do đó, phải đi chậm lại để chờ đoàn xe chở lương thực. Điều này khiến cho đạo quân đi đầu không đuổi theo kịp đoàn quân Nga đang rút lui phía trước. Thêm vào đó, dân địa phương Cossack vốn trung thành với Nga Hoàng cũng đã gây biết bao khó khăn trở ngại cho quân Thuỵ Điển. Vì vậy nên Charles XII quyết định đổi hướng tiến quân xuống phía nam, nơi có mùa màng còn nguyên vẹn vì không bị quân Nga ghé qua. Và cũng chính nơi đây, Charles XII có một đồng minh là Ivan Mazepa và đạo binh của ông đang chờ đợi để tiếp chiến. Charles XII không hề biết rằng ngoài đạo quân của Mapeza, còn có một đạo quân khác đang chờ mình.
Trên đường tiến quân về Ukraine, đoàn quân đi đầu của Thuỵ Điển di chuyển một cách thảnh thơi như thời bình. Đoàn quân trừ bị và đoàn xe chở lương thực và đạn dược đi phía sau thì khỏi nói. Chính danh tướng Adam Ludwig Lewenhaupt chỉ huy đoàn quân này và không hiểu vì lý do gì, ông đã cho phép quân lính của mình vào làng mua rượu uống say mèm.
Đêm hôm đó, quân Nga không rõ từ đâu tràn đến đánh, chặt đứt đạo quân Thuỵ Điển ra làm hai. Hầu hết đoàn xe lương thực phía sau đều bị quân Nga lấy mất trong khi đạo quân trừ bị thì bị đánh tan tành. Trong lúc khói lửa mịt mùng, có vào khoảng một ngàn quân Thuỵ Điển chạy vào rừng để rồi không ai còn thấy họ nữa. Rất có thể họ đã bị dân làng giết chết hoặc bị quân Nga thủ tiêu. Tháng Tám 1708, Lewenhaupt dẫn tàn binh gồm sáu ngàn quân lính và vài chiếc xe chở lương thực theo kịp Charles XII gần Ukraine. Nhận thấy tình hình tại địa phương không thuận tiện, cả hai đồng ý tiếp tục tiến quân về hướng nam trong khi quân Nga cũng tiến gần như song song. Tháng Chạp năm đó, quân Nga bất thần tấn công quân Thuỵ Điển. Mặc dù đẩy lui được địch quân nhưng thiệt hại về nhân mạng đã khiến Charles XII không còn dám coi thường quân Nga nữa.
Mùa đông năm đó được xem là lạnh nhất Âu Châu trong lịch sử loài người. Trời lạnh đến độ quân sĩ chết cóng của cả hai bên nhiều vô số. Quân sử của cả Nga lẫn Thuỵ Điển đều ghi nhận có những kỵ binh chết cứng khi đang ngồi trên lưng ngựa, tay vẫn còn cầm cương trông như những pho tượng. Vì thời tiết băng giá như vậy nên suốt mùa đông cả hai bên đều không giao chiến, nhưng tử thần cũng bắt đi một số đáng kể.
Khi mùa xuân 1709 đến, Thuỵ Điển điểm quân lại mới biết một phần năm quân số đã chết vì lạnh. Bên Nga, mức độ thiệt hại còn cao hơn. Thế nhưng trong khi quân Nga có thể chờ viện binh thì quân Thuỵ Điển chỉ có chờ cái chết. Xa nhà, thiếu lương thực, đạo quân trừ bị thì đã tan rã từ lâu, các tướng lãnh thấy rằng chỉ có rút quân về nước là thượng sách, trừ nhà vua.
Charles XII gửi mấy sứ giả sang vùng Thổ Nhĩ Kỳ thuộc Đế quốc Ottoman với hy vọng sẽ thuyết phục được các nhà lãnh đạo xứ này tiếp tay với mình đánh lại quân Nga. Trong khi chờ đợi, Charles XII chuẩn bị tử chiến với quân Nga.
Khi mùa xuân 1709 chuyển dần sang mùa hè thì hai đại binh vừa tiến quân vừa gườm nhau cho đến khi tiến gần tới thị trấn Poltava.
Poltava đã có từ thời thượng cổ nhưng mãi về sau này người ta mới nhìn thấy được vị trí chiến lược của nó. Chính Genghis Khan là người đầu tiên dùng nơi này làm trục lộ tiến quân. Đến Poltava rồi, người ta có thể tiến quân về hướng nam để đến Crimea và Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc tiến về hướng tây để đến Ba Lan, Hung Gia Lợi và sau đó là Tây Âu. Năm 1399, lực lượng viễn chinh Mông Cổ đã đánh tan cả một đạo quân Lithuania tại vị trí mà bây giờ hai đạo quân Nga và Thuỵ Điển đang gườm nhau.
Tuy không ưu ái cho lắm vùng đất quá ư xa xôi này nhưng dù muốn dù không, người Nga cũng phải dùng Poltava làm một vị trí biên phòng và do đó, thuộc lòng địa thế tại đây. Phía đông của Poltava là dòng sông Vorskla, một phụ lưu của sông Dnieper. Phía bắc là một khu rừng chạy dài mà thiên nhiên đã an bài một cánh đồng trống chạy song song. Qua khỏi khu rừng này là Great Ouvrage mà ở giữa là những vực thẳm đưa xuống một con sông nhỏ.
Tháng Năm 1709, quân Thuỵ Điển bắt đầu bao vây Poltava. Bị vây khốn, quân Nga coi như hết còn nhận được tiếp tế về cả lương thực cũng như đạn dược. Một hôm, có một người lính Nga ném một con mèo chết ra khỏi thành, tình cờ trúng vào vai Charles XII đang đi thanh sát trận địa. Xem đó như một hành động có tính cách phạm thượng, toán quân hộ giá Thuỵ Điển nổ súng như mưa vào trong thành. Nhưng đối với Charles XII, việc người lính Nga ném xác con mèo ra ngoài cho thấy họ vẫn còn đủ lương thực nên chưa đến nỗi phải ăn thịt gia súc. Từ đó, Charles XII có ý định ngưng không bao vây Poltava nữa.
Trong khi đó thì Peter Đại Đế lại cho đạo quân chính của mình đóng quân tại phía bắc Poltava, dọc theo khu rừng thưa. Quân Nga chuẩn bị phòng tuyến theo một phương thức mới lạ. Cứ 150 thước lại có một công sự chiến đấu hình chữ T mà bốn căn hầm làm thành cột dọc trong khi sáu căn hầm khác làm thành gạch ngang. Cột dọc của chữ T chĩa thẳng về phía quân Thuỵ Điển trong khi gạch ngang do pháo binh trấn giữ có nhiệm vụ yểm trợ hoả lực. Công sự chiến đấu kiểu này cho phép tất cả các quân nhân có thể bắn về bất cứ hướng nào từ bất cứ vị trí nào. Đây là một sáng kiến quân sự rất hay mà quân Thuỵ Điển chỉ biết được sau khi đã phải trả một giá rất đắt.
Đạo quân của Nga gồm có khoảng 30 ngàn lính bộ binh, 9 ngàn kỵ binh, 3 ngàn lính Cossack cùng với trên 100 cỗ đại pháo.
Đạo quân của Thuỵ Điển chỉ còn được gần 10 ngàn lính bộ binh nhưng lại có tới 13 ngàn kỵ binh, hơn 5 ngàn quân Cossack do Ivan Mazepa chỉ huy cùng với cỗ đại pháo.
Trong mấy ngày đầu, hai bên chỉ đánh quấy rối chờ đối phương động binh. Thế nhưng bất ngờ một buổi sáng nọ Charles XII bị trúng đạn ngay chân. Từ đó, ông không còn cưỡi ngựa được nữa mà phải ngồi trên một chiếc kiệu bắt trên lưng hai con ngựa chạy song song.
Chiều ngày 27 tháng Sáu, Charles XII triệu tập một phiên họp với bộ tham mưu cao cấp. Cả hai cố vấn thân cận nhất của ông là Nguyên Soái Bá Tước Carl Gunter Rehnskold và Đại Tướng Lewenhaupt đều khuyến cáo nhà vua rằng quân Thuỵ Điển đang ở trong tình thế nguy kịch. Điều dễ hiểu là họ đang cách xa chánh quốc đến ngàn dặm mà cả lương thực lẫn đạn dược đều đã cạn gần hết. Hai vị tướng này kết luận rằng đạo quân Thuỵ Điển không còn đủ sức để tử chiến với Nga, dù chỉ một trận. Vào lúc đó, tinh thần của đạo quân Thuỵ Điển sa sút chưa từng thấy. Lính Thuỵ Điển thì nhớ nhà quá lâu nên chỉ muốn rút quân về nước. Lính Cossack thì đã nhận ra rằng mình về phe với bên thất trận nên đào ngũ dần dần. Hai vị tướng cũng trình bày cho Charles XII thấy rõ tình trạng sa sút tinh thần này và đề nghị rút quân về Ba Lan, hay ít ra thì cũng rút về bên kia sông Dnieper rồi sau đó tiến qua Crimea và xứ Thổ Nhĩ Kỳ của Đế Quốc Ottomann vốn có cảm tình với Thuỵ Điển. Charles XII nghe hai viên tướng trình bày mà không hề ngắt lời họ và sau đó, ông cũng chẳng hề đưa ra một câu hỏi nào. Thay vào đó, Charles XII chỉ nói rằng “Cứ tấn công địch”.
Tuy chủ trương lui binh nhưng cả Nguyên Soái Bá Tước Rehnskold lẫn Đại Tướng Lewenhaupt và các tướng lãnh khác không ngạc nhiên khi nghe nhà vua quyết định như vậy. Là những danh tướng đã từng nhiều lần dẫn quân truy kích địch, họ hiểu rằng rút quân trong lúc này cũng nguy hiểm và khó khăn không kém bởi vì với quân sĩ đang xuống tinh thần, quân Nga với quân số đông hơn và hoả lực mạnh hơn mà truy đánh thì chẳng mấy ai hy vọng toàn mạng. Và vì vậy nên tất cả cùng Charles XII bàn kế hoạch tấn công quân Nga.
Để có thể lấy ít thắng nhiều, Charles XII và các tướng lãnh biết rằng họ chỉ có thể trong mong vào yếu tố bất ngờ. Theo kế hoạch, bộ binh Thuỵ Điển sẽ lợi dụng màn đêm để bất thần vượt qua phòng tuyến địch và đánh vào đạo quân chính ở phía sau. Khi hai bên đã bắt đầu giao chiến, kỵ binh sẽ đi vòng qua phòng tuyến hợp cùng bộ binh đánh từ sau ra trước. Kế hoạch này mang tính cách liều lĩnh nhưng nếu cả bộ binh lẫn kỵ binh Thuỵ Điển vào đến được hậu tuyến của quân Nga thì phòng tuyến với những công sự chiến đấu hình chữ T của Nga coi như không còn giá trị gì về chiến thuật.
Khoảng 2 giờ sáng ngày 28 tháng Sáu, Bá Tước Rehnskold và Đại Tướng Lewenhaupt dẫn quân đi thành bốn hàng dọc đến một vị trí chỉ cách phòng tuyến Nga hơn sáu trăm thước và dừng lại. Nằm sát xuống mặt cỏ, các binh sĩ Thuỵ Điển có thể nghe rõ tiếng búa từ xa vọng lại vì quân Nga vẫn tiếp tục làm thêm các công sự chiến đấu. Là những người theo Thệ Phản, binh sĩ Thuỵ Điển tin rằng bất cứ điều gì xảy ra cũng không ngoài ý muốn của Thượng Đế. Và họ bắt đầu cầu nguyện.
Một lúc sau, Charles XII đến nơi và không ai rõ ông cùng Bá Tước Rehnskold và Đại Tướng Lewenhaupt bàn bạc những gì. Sau đó, tám ngàn quân bộ binh Thuỵ Điển tiến vào vị trí địch. Đúng như đã dự trù, quân Nga bị bất ngờ nên không kịp cản bước đoàn quân thiện chiến của địch. Tuy nhiên, những tiếng súng từ các công sự chiến đấu cũng đủ để báo động cho hậu tuyến chuẩn bị. Hơn bốn ngàn quân Nga dàn trận bao vây Tướng Roos cùng hơn hai ngàn quân Thuỵ Điển. Sau khi bị thiệt hại gần một nửa số quân, Roos đầu hàng vào lúc chín giờ sáng. Kể từ lúc này, quân Nga bắt đầu chiếm ưu thế.
Mặc dù các đơn vị của Thuỵ Điển đã chiến đấu cực kỳ dũng cảm nhưng vì trận đánh đã không diễn ra như tiên liệu nên các lực lượng bộ binh của Nga dần dần đánh chiếm lại các công sự chiến đấu bị mất và đến 11 giờ thì Charles XII cho lui quân. Một giờ sau, quân Thuỵ Điển bị đánh bật ra khỏi vị trí địch và sau đó Charles XII cùng đại quân rút về phía nam. Bá Tước Rehnskold chỉ huy lực lượng bộ binh đi sau cùng nên bị địch bắt sống ngay sau đó, Tướng Lewenhaupt dẫn quân vượt qua sông Dnieper nhưng quân Nga đuổi theo đến cùng. Ba ngày sau, hai bên ác chiến tại Perevolochna và Tướng Lewenhaupt đầu hàng.
Trận Poltova kết thúc với hơn bảy ngàn quân Thuỵ Điển bị Nga bắt làm tù binh. Tất cả đều bị đem về xây dựng thành phố mới mà sau này mang tên là Petersburg.
Charles XII dẫn gần hai ngàn quân cùng với Mazepa chạy sang Moldavia thuộc Đế Quốc Ottoman. Sau năm năm sống lưu vong, ông trở về Thuỵ Điển, lúc đó không còn là một đế quốc như ngày ông xuất chinh.
Đính kèm là một tranh vẽ tả lại trận Poltova.

No comments:

Post a Comment